Sự bùng nổ của nghề môi giới bất động sản trong giai đoạn nóng sốt cũng như việc dễ dàng tuyển dụng của nghề này đã hình thành nên một lớp môi giới làm ăn chộp giật, nhất thời. Thay vì nghĩ đến một hành trình dài hơi đồng hành cùng khách hàng, rất nhiều môi giới chỉ nhăm nhăm cái lợi trước mắt là hoa hồng và bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được điều đó. Bán xong hàng cho khách, những môi giới này không dám gặp lại khách hàng.
Năm 2016, sau khi ra trường, rải hồ sơ nhiều nơi mà không được gọi, P.V.Tuyến quyết định nộp CV vào một sàn bất động sản. Cử nhân đại học, 1 năm làm parttime bán hàng siêu thị, tham gia một vài hoạt động tình nguyện thời sinh viên là tất cả những gì về kinh nghiệm Tuyến thể hiện trên CV và khi phỏng vấn với vị trí nhân viên kinh doanh. Buổi sáng đi phỏng vấn, buổi chiều cậu nhận điện thoại báo trúng tuyển và hôm sau đi làm luôn. Tuyến không được đào tạo qua bất cứ một lớp học nào về nghề môi giới bất động sản ngoài việc học từ những anh chị làm nghề lâu hơn trong công ty.
Đầu năm 2019, Tuyến chuyển sang bán hàng thổ cư sau khi đã nhảy việc qua 2 sàn môi giới. Một người bạn học cũ nhờ Tuyến tìm giúp sếp của bạn đó một căn nhà riêng ở Cầu Giấy. Tuyến hào hứng nhận lời, thế nhưng khi nhận contact của khách, Tuyến giật mình nhận ra đó là số điện thoại của khách hàng cũ – người từng mua đất nền tại một dự án Tuyến bán thời còn làm ở sàn cũ.
Tuyến từng tư vấn, hứa hẹn với vị khách đó về tiềm năng, tỉ suất lợi nhuận khi đầu tư dự án. Thế nhưng, đến tận ngày hôm nay, dự án vẫn chưa có sổ và do dính lùm xùm về pháp lý mà nhà đầu tư rao bán cắt lỗ cũng không ai mua. Tuyến nhận vô vàn lời trách móc, quy kết trách nhiệm của khách vì đã tư vấn sai, thổi phồng dự án. Mệt mỏi, Tuyến nghỉ việc sàn cũ và thay đổi toàn bộ các số điện thoại nhằm cắt đứt liên lạc hoàn toàn với khách, để khách tự giải quyết với chủ đầu tư. Sau khi phát hiện ra khách cũ, Tuyến tìm cách từ chối lời đề nghị của người bạn.
Câu chuyện của N.M.Phương cũng tương tự câu chuyện của Tuyến. Nhiều năm trước, Phương bán condotel tại dự án FLC Quy Nhơn. Cô cũng tư vấn, phân tích, hứa hẹn với khách về pháp lý, quy hoạch, tiềm năng sinh lời của dự án. Thế nhưng đến nay đã quá thời hạn bàn giao nhà gần 2 năm, những khách của Phương mua condotel tại dự án vẫn chưa được nhận nhà, phía chủ đầu tư FLC cũng không thực hiện được những cam kết như đã ký trong hợp đồng. Khách từ trong Nam kéo ra ngoài Hà Nội đến trụ sở chính tập đoàn biểu tình đòi quyền lợi và gọi điện mắng Phương là lừa đảo. Phương chia sẻ có lẽ cả đời cô không dám gọi điện hay gặp lại những vị khách này. Phương cũng coi đây là bài học khi chọn sàn, chọn chủ đầu tư để bán hàng.
Chị Nguyễn Hoàng Hà, hiện đang sống tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cũng chia sẻ, 2 năm trước chị có khoản tiền nhàn rỗi và muốn đầu tư bất động sản. Chị lên mạng tìm hiểu và để lại thông tin ở một trang web. Hôm sau, sale gọi cho chị tư vấn đầu tư căn hộ và khẳng định khi dự án bàn giao sẽ bán ra chốt lời cho chị. Không có kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản và cũng chưa tìm hiểu kĩ thị trường, nhưng tin lời sale, chị Hà vay tiền ngân hàng để đầu tư. Oái ăm thay, khi dự án bàn giao và đi vào vận hành, chị nhờ chính sale đó bán lại thì sale báo chị giờ muốn bán được nhanh phải chấp nhận cắt lỗ. Chị Hà sững sờ khi nghe sale nói thế. Chị trách thì sale bảo không lường trước được thị trường. Và những lần sau chị gọi, sale đó đều tắt máy.
Giám đốc 1 sàn giao dịch BĐS tại Cầu Giấy cho biết thị trường không thiếu những sale bất động sản, những sàn giao dịch vì hoa hồng, lợi nhuận mà cố tình bỏ qua vai trò trung gian thẩm định, kiểm tra dự án của mình nhằm mang đến cho khách hàng sản phẩm tốt. Họ biết dự án có nhiều sai phạm, pháp lý không chuẩn, thực tế dự án không đẹp như chủ đầu tư vẽ nhưng vẫn cố tình làm vì lợi nhuận. Theo vị giám đốc này, những sale, những sàn đó đang tự đào hố chôn mình. Và giá trị đích thực của 1 sale bất động sản phải nằm ở việc được khách hàng tin tưởng và giới thiệu khách hàng cho những lần giao dịch kế tiếp.