Sau khi nghe tham luận, góp ý của các doanh nghiệp cảng biển, logistics, các nhà quản lý, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, cảng biển là một trong những thế mạnh quan trọng của tỉnh, trong đó, cảng Cái Mép - Thị Vải là cảng phục vụ cho cả vùng.
Làm cầu, cao tốc, đường sắt… để kết nối
Bí thư Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh, phát triển cho cảng Cái Mép - Thị Vải chính là sự phát triển theo tự nhiên. "Ở thế kỷ 18, cảng Hội An sầm suất vì lúc đó chỉ đi tàu 1.000 - 2.000 tấn. Khi người ta đi tàu 10.000 tấn thì cảng ở Sài Gòn nổi lên, Hội An trở thành phố cổ. Bây giờ, người ta đi tàu 100.000 tấn, Cái Mép - Thị Vải phải nổi lên. Đó là quy luật thuận thiên, là lợi thế so sánh mà thiên nhiên ban tặng cho Bà Rịa - Vũng Tàu", ông Lĩnh nói.
Để Cái Mép - Thị Vải đóng tròn vai trong thúc đẩy phát triển kinh tế, ông Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định phải làm các dự án giao thông kết nối. Đó là làm đường sắt để nối dài đường sắt Bắc - Nam vào Cái Mép - Thị Vải, kéo dài để sang Lào, Campuchia, tạo thành hành lang Đông - Tây. Đó là làm đường cao tốc, cầu Phước An. Đồng thời nạo vét luồng lạch cũng như trung tâm logistics và trung tâm kiểm hóa hiện đại.
Theo ông Hồng Lĩnh, Chính phủ đã giao cho tỉnh làm đường cao tốc, cầu Phước An, và tỉnh này đã có sẵn hàng chục ngàn tỉ để triển khai. Ngoài ra, tỉnh cũng chuẩn bị đấu giá các khu đất để có tiền làm các dự án kết nối giao thông, chuẩn bị 2.000 ha để làm không gian phát triển logictisc.
"Một trong những bài học kinh nghiệm nhiệm kỳ qua của Bà Rịa - Vũng Tàu là quá trông chờ, dựa dẫm từ nguồn lực của Chính phủ, nên đã mất cơ hội. Do đó, nhiệm kỳ tới không thể để chuyện này xảy ra", ông Lĩnh khẳng định.
Một doanh nhân nước ngoài tìm hiểu mạng lưới giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại hội nghị sáng 18-6 - Ảnh: Đ.H
Cảng đón được "siêu tàu" nhưng thiếu nhiều thứ
Cái Mép - Thị Vải là một trong các cảng container nước sâu lớn của thế giới, đón được "siêu tàu" thế hệ mới, với trọng tải gần 200.000 tấn, sức chở lên đến hơn 21.000 TEU. Lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh hàng năm.
Tuy vậy, đến nay, lượng hàng container qua cảng này cũng mới đạt khoảng 50% công suất thiết kế (3,4 triệu TEU/năm so với công suất khoảng 7 triệu TEU/năm) trong khi tổng số tiền các doanh nghiệp bỏ ra đầu tư xây cảng khoảng 2 tỉ USD.
Theo đại diện Cục hàng hải Việt Nam, có ba nguyên nhân dẫn đến Cái Mép - Thị Vải chưa thể phát huy hết công suất, trong đó có chuyện chưa có trung tâm logistics, chưa có "cảng cạn", các khu chứa cotainer rỗng cũng như kết nối giao thông thiếu đồng bộ. Cầu Phước An để nối Cái Mép - Thị Vải với cao tốc Bến Lức - Long Thành để về miền Tây "chưa rõ khi nào hoàn thành".
Còn đại diện hãng tàu Maersk nhận định, nguyên nhân là do chưa có sự kết nối giữa Cái Mép - Thị Vải với các nhà máy, các kho hàng, các khu công nghiệp lớn ở Bình Dương, Đồng Nai. Ngoài ra còn có nguyên nhân là bởi các bến cảng ở đây hầu hết nhỏ, chưa đến 600m, nên chỉ đón được một "tàu mẹ" vào làm hàng.
"Một điều bất cập là các khách hàng lớn phải đi về TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương để lấy container rỗng, rồi đưa về nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu để đóng hàng và xuất đi. Lý do là các hãng tàu chưa có cảng cạn để chứa container rỗng ở Bà Rịa - Vũng Tàu", bà Phạm Thị Bảo Hạnh - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vina Logistics, cho biết.
Ông Nguyễn Văn Công - thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải - cũng nhìn nhận những dự án kết nối giao thông với Cái Mép - Thị Vải chậm so với kế hoạch đã làm ảnh hưởng đến công suất của cảng này.
Ông Công khẳng định, Bộ ủng hộ đề xuất của Bà Rịa - Vũng Tàu trong hướng tuyến của cầu Phước An. Đồng thời, sẽ bố trí vốn trung hạn hơn 1.000 tỉ để nạo vét luồng hàng hải Cái Mép xuống -15,5m để đón tàu lớn bất cứ giờ nào mà không phụ thuộc vào thủy triều.